Cần sa y tế (CBD) là gì? Những điều cần biết về cần sa y tế CBD

15:13 - 01/04/2020

Cần sa y tế (CBD) là gì? Những điều cần biết về cần sa y tế CBD

1. Cannabidiol (CBD) là gì?

Cannabidiol (CBD) là một trong số hơn 100 loại hợp chất cannabinoid tự nhiên trong họ cây cần sa (cannabis sativa L). Cannabinoids là các hoạt chất trong cây cần sa có tác dụng dược lý trên toàn cơ thể, đặc biệt là tác động lên hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch. Cannabinoids còn được gọi là phytocannabinoids. Cannabidiol (CBD) và tétrahydrocannabinol (THC) là hai thành phần dầu thuộc nhóm Cannabinoid được tìm thấy nhiều nhất trong cây cần sa, do đó được công nhận và được nghiên cứu nhiều nhất về các lợi ích y tế của chúng.

 

CBD có thể được chiết xuất và tách ra từ một trong hai loại cây thuộc họ cần sa (Cannabis Sativa L) là cây cần sa (marijuana) và cây gai dầu (hemp).

Sự khác biệt chính giữa cây gai dầu và cây cần sa là thành phần hoạt chất THC và CBD có trong mỗi loại cây. Trong khi cây gai dầu có chứa không quá 0,3% THC theo khối lượng khô thì cây cần sa có thể chứa tới 30% hàm lượng hợp chất THC. Ngoài ra, cây cần sa cũng có chứa nhiều CBD hơn cây gai dầu. Theo các nhà nghiên cứu thì cấu trúc hóa học của CBD chiết xuất từ hai loại cây này là như nhau, do đó, tác dụng của nó đối với cơ thể cũng giống nhau. Cả THC và CBD được chiết xuất từ lá, nhựa hoặc ngọn hoa của cây, chứ không phải thân cây. Gần như tất cả các sản phẩm có chứa THC cũng chứa CBD. Nhưng CBD thường được bán và sử dụng riêng.

Trong khi cây cần sa và các sản phẩm từ cây cần sa nằm trong danh sách các chất cần hạn chế và là chất cấm ở phần lớn các nước trên thế giới, cây gai dầu và sản phẩm từ gai dầu có chứa không quá 0,3% THC đã được hợp pháp hóa ở nhiều nơi. Do đó, hầu hết các sản phẩm CBD hợp pháp có thể tìm thấy trên thị trường thường được chiết xuất từ dầu cây gai dầu. Xem thêm các sản phẩm CBD từ cây gai dầu tại đây.

2. CBD có lợi ích y tế gì?

Hiện nay, những lợi ích y tế của CBD ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học và các bác sĩ. Theo những nghiên cứu ban đầu, CBD chiết xuất từ họ cây cần sa được cho là có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng như viêm khớp, và một số dạng đau, động kinh, lo âu và trầm cảm, mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng và hơn thế nữa. Xem thêm về các tác dụng của CBD tại đây.

Rõ ràng, CBD có thể giúp điều trị chứng động kinh, thể hiện qua sự phê duyệt chính thức gần đây (năm 2018) đối với sản phẩm Epidiolex. Epidiolex được sản xuất bởi công ty dược phẩm GW Pharmaceuticals, có chứa hơn 98% CBD, cùng một vài thành phần khác, và không có THC. Epidiolex được sử dụng trong điều trị hai chứng rối loạn động kinh nghiêm trọng ở trẻ em là hội chứng Lennox–Gastaut và hội chứng Dravet. Công ty dược phẩm GW cũng sản xuất thuốc nabiximols (Sativex), có chứa chiết xuất từ cây cần sa mới đây đã được phê duyệt ở Anh để điều trị đau thần kinh, như co cứng, bàng quang hoạt động quá mức và các triệu chứng khác liên quan đến bệnh đa xơ cứng (MS). Công ty dược phẩm GW hiện đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với nabiximols ở Mỹ. Các loại dược phẩm khác (được phát triển bởi Cara Therapeutics (CR701) và công ty dược phẩm Zynerba (ZYN002)), hiện đang được cơ quan chức năng xem xét, là các sản phẩm có chứa hoạt chất cannabinoids tổng hợp có thể được sử dụng đối với các tình trạng bệnh lý thần kinh cụ thể và các triệu chứng đau mãn tính và chứng mất ngủ.

Một số nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu sớm ở người cho thấy rằng CBD có thể giúp điều trị tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau có opioid. Một nghiên cứu của Hoa Kỳ gần đây cho thấy bằng chứng về tiềm năng sử dụng CBD để điều trị nghiện opioid. Nghiên cứu được thực hiện đối với các bệnh nhân nghiện heroin cho thấy việc sử dụng CBD đã làm giảm cảm giác thèm thuốc cũng như mức độ lo lắng của họ.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng mặc dù các thử nghiệm ban đầu cho thấy lợi ích y tế của CBD là đầy hứa hẹn, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Còn cần nhiều hơn các bằng chứng và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người để có thể khẳng định tác dụng của CBD đối với con người.

3. Cơ chế hoạt động của CBD như thế nào?

CBD chủ yếu tác động lên hệ thống cannabinoid nội sinh (endocannabinoid system) của con người. CBD bắt chước và tăng cường tác dụng của các hợp chất cannabinoid nội sinh trong cơ thể chúng ta. Hệ thống endocannabinoid đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh một loạt các quá trình sinh lý ảnh hưởng đến trải nghiệm hàng ngày của con người bao gồm: cảm giác đau, thèm ăn, tâm trạng, trí nhớ, chức năng hệ thống miễn dịch và kiểm soát, huyết áp, mật độ xương, chuyển hóa glucose và nhiều hơn nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống cannabinoid nội sinh không hoạt động đúng? Khoa học tiên tiến đã chỉ ra rằng hệ thống endocannabinoid bị rối loạn trong hầu hết các điều kiện bệnh lý. 

Hệ thống cannabinoid nội sinh bao gồm các thụ thể (CB1, CB2) nằm trong não và hệ thống thần kinh trên toàn cơ thể. Chúng có thể cung cấp cho tế bào những chỉ dẫn cụ thể. Cơ thể có thể tạo ra cannabinoids của riêng mình, trong khi đó sử dụng CBD sẽ giúp hỗ trợ những hợp chất cannabinoids được tạo ra một cách tự nhiên; nhằm điều chỉnh và tăng cường trương lực của các hợp chất này trong cơ thể. Cơ chế hoạt động này tương tự như cách chúng ta sử dụng vitamin C để hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Ví dụ, cùng với các cannabinoid tự nhiên khác, CBD kích hoạt thụ thể serotonin, do đó nó hoạt động như một loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu và chất bảo vệ thần kinh.

4. CBD có gây nghiện không?

Nghiện là một tình trạng mãn tính buộc một người tìm kiếm, tiêu thụ một chất, bất kể nó có hậu quả có hại hay không. Hầu như tất cả các chất gây nghiện đều tập trung vào hệ thống dopamine - còn được gọi là "hormone hạnh phúc". Theo thời gian, việc sử dụng thường xuyên chất này làm cho bộ não thích nghi với việc cung cấp dopamine từ bên ngoài bằng cách sản xuất ít dopamine hơn. Điều này buộc một người phải thường xuyên chất đó và gây nghiện.

CBD thường bị nhầm lẫn với delta-9-THC (THC), một loại cannabinoid khác được tìm thấy trong cây cần sa. Tuy nhiên, hai hợp chất này về cơ bản có tính chất và công năng khác nhau. THC là hợp chất thuộc nhóm Cannabinoid có hoạt tính mạnh nhất tác động lên hệ thần kinh trung ương của con người gây ra trạng thái “phê thuốc”. Do đó THC được coi là một chất gây nghiện và bất hợp pháp. THC trực tiếp liên kết với các thụ thể CB1 trong não. Nó kích hoạt thụ thể CB1, ảnh hưởng đến việc sản xuất "hormone hạnh phúc" tự nhiên của cơ thể, và do đó giải thích tại sao THC có thể gây nghiện.

Không giống như THC, CBD là hợp chất thuộc nhóm Cannabinoid không gây ngộ độc hay hưng phấn. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, hợp chất CBD an toàn và không gây nghiện: "CBD không có tác dụng có thể dẫn đến tình trạng nghiện hoặc lạm dụng thuốc". Cũng trong năm 2018, cơ quan phòng chống doping thế giới đã loại CBD khỏi danh sách các chất bị cấm.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây cho thấy CBD thậm chí có tiềm năng đóng vai trò là "đối kháng" của các thụ thể CB1. Điều này có nghĩa là CBD có thể giúp ngăn chặn sự gắn kết của THC với các thụ thể cannabinoid (CB1, CB2), làm cho các hiệu ứng của THC trở nên khó khăn hơn. CBD, do đó, bảo vệ cơ thể chống lại những tác động tiêu cực của THC. 

Như đã đề cập ở trên, một số nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu sớm ở người cho thấy rằng CBD còn có thể giúp điều trị tình trạng nghiện chất giảm đau có chứa opioid.

5. CBD có an toàn không?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, việc sử dụng CBD tinh chất  là an toàn và không gây nghiện: "CBD được dung nạp tốt và an toàn cho con người… Cho đến nay, không có bằng chứng nào về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc sử dụng CBD tinh chất". Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng CBD có thể làm phát sinh một số tác dụng phụ (không mong muốn) bao gồm khô miệng, huyết áp thấp, nhức đầu nhẹ và buồn ngủ. Dấu hiệu tổn thương gan cũng đã được báo cáo ở một số bệnh nhân. Ví dụ, một sản phẩm CBD theo toa (Epidiolex) có thể uống theo liều với liều tối đa 10-20 mg/kg mỗi ngày. Các tác dụng phụ trong thử nghiệm Epidiolex bao gồm tiêu chảy, buồn ngủ, mệt mỏi, yếu, phát ban, giảm sự thèm ăn và tăng men gan. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu khác sâu hơn để làm rõ các tác dụng phụ của CBD này.

Tuy việc sử dụng CBD tinh chất với liều lượng hợp lý được khẳng định là an toàn, một số sản phẩm CBD có thể chứa những tạp chất có hại cho sức khỏe con người. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia Commonwealth đã kiểm tra chín loại chất lỏng được quảng cáo là chiết xuất CBD tự nhiên 100 phần trăm. Họ đã tìm thấy một sản phẩm có chứa dextromethorphan (DXM) được sử dụng trong các loại thuốc ho không kê đơn và được coi là gây nghiện khi lạm dụng; và bốn sản phẩm có chứa cannabinoid tổng hợp (Spice) có thể gây lo lắng, rối loạn tâm thần, nhịp tim nhanh và tử vong. Nghiên cứu trước đó tại Hoa Kỳ cũng đã tìm thấy ít hơn một phần ba trong số 84 sản phẩm được nghiên cứu có chứa lượng CBD như ghi trên nhãn của họ. Vì vậy, cần phải hết sức thận trọng để lựa chọn sản phẩm CBD đảm bảo chất lượng.

6. CBD có hợp pháp không?

Tính hợp pháp của CBD cho mục đích y tế khác nhau tùy theo quốc gia. Các quốc gia đã hợp pháp hóa việc sử dụng CBD chiết xuất từ cây cần sa trong y tế bao gồm Argentina, Úc, Canada, Chi Lê, Colombia, Croatia, Síp, Đức, Hy Lạp, Israel, Ý, Jamaica, Litva, Luxembourg, Bắc Macedonia, Na Uy, Hà Lan, New Zealand, Peru, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thụy Sĩ và Thái Lan. Những quốc gia khác có quy định hạn chế hơn, chỉ cho phép sử dụng một số loại dược phẩm có nguồn gốc từ cần sa, chẳng hạn như Sativex, Marinol hoặc Epidiolex.

Tại Hoa Kỳ, hầu hết các tiểu bang và đặc khu Columbia đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa trong y tế, nhưng ở cấp liên bang, việc sử dụng này vẫn bị cấm vì bất kỳ mục đích nào. Ngày 25 tháng 6 năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lần đầu tiên công nhận một loại dược phẩm có chứa cannabidiol (CBD) là Epidiolex. 

Bên cạnh đó, năm 2018, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua sửa đổi Dự luật trang trại (Farm Bill), trong đó hợp pháp hóa việc trồng và sản xuất cây gai dầu (hemp), tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sản xuất dầu CBD từ cây gai dầu phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, dự luật trang trại (Farm Bill) năm 2018 cho phép mỗi tiểu bang quyết định xem họ có cho phép bán sản phẩm CBD từ cây gai dầu trong lãnh thổ của họ hay không. Và bằng cách thay đổi cách xác định cần sa trong Đạo luật về các chất bị kiểm soát (Controlled Substances Act), dự luật đã loại bỏ CBD có nguồn gốc từ cây gai dầu khỏi danh sách các chất phải kiểm soát của Cục Quản lý Thực thi Dược phẩm (DEA). Đạo luật này cũng đã khởi xướng hành động của FDA bao gồm thực hiện các phiên điều trần về quy định đối với CBD, bắt đầu vào giữa tháng 6 năm 2019. Một kết quả tiềm năng từ các phiên điều trần này sẽ là quy định về các sản phẩm CBD phụ thuộc vào liều lượng CBD. CBD liều thấp có thể trở thành dược thực phẩm, trong khi CBD liều cao hơn sẽ được quy định là dược phẩm vì độc tính của CBD liều cao hơn trong việc gây mệt mỏi và khó chịu cũng như ảnh hưởng đến đường tiêu hóa bao gồm nhiễm độc gan.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam có những quy định rất khắt khe đối với việc trồng và sử dụng cần sa. Theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc trồng cây cần sa hay gai dầu đều bị cấm theo luật pháp

Tuy nhiên những quy định về sử dụng tinh dầu CBD chiết xuất từ cây gai dầu lại chưa được quy định rõ ràng. Do không có quy định cấm cụ thể đối với các sản phẩm chiết xuất từ cây gai dầu có lượng THC thấp dưới 0.3% theo tiêu chuẩn của đa số các nước, các sản phẩm CBD từ cây gai dầu có thể được mua bán trên thị trường (nếu cơ quan chức năng không có quy định gì khác).

Tạm kết

Cần sa y tế (CBD) là một hợp chất được sử dụng cho cả mục đích y tế và giải trí. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích lợi ích y tế của CBD. Hợp chất hóa học được chú ý nhất trong cây cần sa là THC, là hợp chất có thể gây ra trạng thái phê thuốc. Nhưng gần đây, sự chú ý đã chuyển sang CBD vì tiềm năng trị liệu mà không gây nghiện của hợp chất này. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy CBD hữu ích trong trị liệu bệnh động kinh, rối loạn lo âu, đau mãn tính và hơn thế nữa. Trong khi các nghiên cứu lâm sàng vẫn còn trong giai đoạn đầu, các bác sĩ và bệnh nhân có xu hướng ủng hộ CBD vì nó có ít tác dụng phụ. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều các quốc gia hợp pháp hóa hoặc nới lỏng các quy định đối với việc sử dụng các sản phẩm có chứa CBD cho mục đích y tế. Hiện nay, có một loạt các sản phẩm khác nhau có chứa CBD chủ yếu được chiết xuất từ cây gai dầu (hemp) có thể được mua bán và sử dụng ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.